Tin công nghệ

Cuộc phiêu lưu trong ngành bán dẫn của nữ kỹ sư Việt

Từ không biết gì về chip, Hoàng Thiên Hương đã có 19 năm làm trong lĩnh vực bán dẫn và trở thành quản lý cấp cao tại Renesas Việt Nam.

Năm 2005, Hoàng Thiên Hương cầm trên tay bản tin tuyển dụng kỹ sư chip của Renesas Việt Nam nhưng chưa thể hình dung ngành chip như thế nào, làm ra cái gì, phục vụ mục đích gì. Khi đó, cô vừa tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành Điện tử Viễn thông. Tuy nhiên, thấy đây là công ty Nhật, thuộc top đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn nên cô nộp hồ sơ.

“Hồ sơ được thông qua, tôi trải qua ba vòng thi vô cùng căng thẳng từ tiếng Anh đến kiểm tra kiến thức chuyên ngành về mạch điện, xung, kỹ thuật số, lập trình cơ bản. Sau vòng phỏng vấn trực tiếp với lãnh đạo người Nhật, tôi trở thành một trong 20 kỹ sư đầu tiên của Renesas Việt Nam, chính thức bước chân vào mảng bán dẫn”, Thiên Hương nhớ lại. Hiện cô là Giám đốc Ban Kỹ thuật số của Renesas Việt Nam

Hai thập niên dấn thân vào ngành chip

“Thú thật là mức lương ban đầu không cao nhưng thi vào vất vả quá nên tiếc công mà ở lại. Sau đó, tôi nhận ra những người được tuyển vào cùng mình đều rất tài năng, thấy đây là môi trường tốt để phát triển nên quyết định dấn thân, ngoảnh lại đã gần 20 năm”, nữ giám đốc nói.

Chị Hoàng Thiên Hương, Giám đốc Ban Kỹ thuật số của Renesas Việt Nam. Ảnh: Huỳnh Ngọc

Hoàng Thiên Hương, sinh năm 1981, Giám đốc Ban Kỹ thuật số của Renesas Việt Nam. Ảnh: Huỳnh Ngọc

Trải qua ba tháng đào tạo với chuyên gia Nhật, Hương bắt đầu hành trình ở bộ phận Verification (kiểm tra và xác minh thiết kế). Trong lĩnh vực bán dẫn, Verification được ví như bộ phận “gác cổng”, đảm bảo thiết kế, hoạt động của chip như hiệu suất xử lý, tốc độ đáp ứng chính xác theo yêu cầu. Do chi phí mỗi lần chế tạo, sản xuất vi mạch vô cùng đắt đỏ, việc kiểm tra và xác minh trước khi chuyển thiết kế đến nhà máy đặc biệt quan trọng.

Từ một sinh viên mới ra trường chưa biết sẽ làm gì khi bước vào ngành chip, sau ba năm, Hương cùng các cộng sự đã thiết kế thành công bộ vi xử lý 2 lõi, 4 lõi rồi 8 lõi. Kết quả dự án cải tiến đa lõi với 8 CPU của Thiên Hương cùng ba cộng sự trong nhóm đã được chọn để trình bày tham luận tại Hội nghị bán dẫn châu Á – State Circuits Conference (A-SSCC) năm 2008. Dự án được đánh giá là đột phá mới, giúp cải tiến kỹ thuật ngắt của CPU, cho ra đời thiết bị giá thành thấp, tốc độ cao, hiệu suất xử lý tốt hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn.

Thiên Hương cho biết đó là lần đầu cô ra ngoài, nói về thứ mình làm với những người giỏi trong ngành ở những công ty khác. “Nhờ đó, mọi người biết Việt Nam cũng có những công việc như vậy, người Việt đang tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Báo chí bắt đầu đưa tin và mọi người cũng biết đến ngành chip nhiều hơn”, Hương kể.

Hoang Thiên Hương trình bày tham luận tại sự kiện A-SSCC, năm 2008, diễn ra ở Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Thiên Hương trình bày tham luận tại sự kiện A-SSCC năm 2008 ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Hai năm sau, Thiên Hương trở thành quản lý nhóm thiết kế và phát triển CPU. Năm 2013, cô mở rộng lĩnh vực quản lý sang khối phát triển IP. Đến 2018 cô tham gia nhóm phát triển chip cho MCU dùng trong ôtô.

Ngoài những khách hàng quốc tế, năm 2022, Renesas trở thành nhà cung cấp các hệ thống vi mạch điện tử, vi điều khiển, chất bán dẫn tương tự và điện tử cho hãng xe Việt Nam VinFast. Cùng năm, Thiên Hương lên vị trí Giám đốc Ban Kỹ thuật số của Renesas Việt Nam, quản lý trực tiếp 150 nhân sự.

Cơ hội của nữ giới trong lĩnh vực chip

Với những gì quan sát được trong gần hai thập kỷ, Thiên Hương cho rằng cơ hội luôn chia đều cho cả nam và nữ, hoàn toàn không có khác biệt về giới. Để làm ra một chip là một hành trình dài, mỗi người trong đó đều đóng góp giá trị quan trọng.

“Cơ hội trong ngành chip chia đều cho tất cả. Có thể nữ giới thường chi tiết, tỉ mỉ nên hợp khâu kiểm định. Nhưng cũng có rất nhiều bạn nữ giỏi ở những lĩnh vực khác. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, có những điểm mạnh riêng”, Thiên Hương nhận định. Nhân sự cô quản lý hiện có 10% là nữ giới, phân bổ ở các khâu khác nhau.

“Chip đang trở thành ngành hot, thu nhập gần đây cũng tốt, nhu cầu về nguồn nhân lực thiết kế bán dẫn cũng ngày càng tăng. Những người giỏi không chỉ có thu nhập tốt mà còn có nhiều cơ hội phát triển bản thân, giữ vai trò quan trọng trong các tập đoàn toàn cầu”, cô nói.

Nói về giấc mơ chip Việt, cô cho rằng đây là ngành đặc thù với chuỗi cung ứng phức tạp, tài sản lớn nhất của Việt Nam là con người. Đào tạo đội ngũ kỹ sư trẻ nên là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ sản sinh ra nhiều kỹ sư có chuyên môn cao, đóng vai trò dẫn dắt một số lĩnh vực quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn.

“Trí tuệ người Việt không hề thua kém các bạn quốc tế, miễn là chúng ta kiên trì, chịu khó học hỏi, cập nhật công nghệ mới. Nhiều kỹ sư Việt tại Renesas đang làm trực tiếp với đồng nghiệp từ Nhật và những nước khác để tạo ra chip tiên tiến”, Hoàng Thiên Hương cho hay.

Khương Nha



Cho xem nhiều hơn

Những bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Back to top button
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x

Adblock Detected

Vui lòng vô hiệu hóa chương trình chặn quảng cáo trước khi xem trang web TAMHOANG.NET!

Please disable ad blocking program before viewing TAMHOANG.NET website!