Tin công nghệ

'Game Việt vẫn chưa lớn mạnh'

Ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT Gosu Corp cho rằng, ngành game trong nước thiếu sự vững chãi để có thể hình thành các trung tâm đào tạo bài bản, chuyên môn cao.

Ông Lê Thanh Minh – một trong số thành viên Ban giám khảo tại Vietnam Game Awards 2023. Hơn 10 năm lăn lộn trên thị trường, vị chủ tịch này gần như chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của ngành trò chơi điện tử trong nước. Tuy nhiên, theo ông để được như ngày hôm nay, các đơn vị sản xuất game – như Gosu đối mặt với không ít thách thức.

Ông Minh kể lại, thời điểm đó, đa số đơn vị phát hành chưa đủ khả năng tài chính, nền tảng kỹ thuật và nhân lực để tự sản xuất game riêng. Đa phần những trò thịnh hành lúc đó đều mua lại từ nước ngoài. Đơn cử có Audition (Hàn Quốc), Võ lâm truyền kỳ (Trung Quốc), Liên minh huyền thoại (Mỹ)… Các đơn vị sau khi sở hữu bản quyền phân phối, sẽ Việt hóa và điều chỉnh để phù hợp với thị trường nội địa.

Thời gian đầu mới thành lập, Gosu cũng có định hướng tương tự những nhà phát hành khác. Đơn vị chủ yếu mua bản quyền các game nổi tiếng ở nước ngoài về và tiến hành Việt hóa, phát hành ra thị trường.





Ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT Gosu Corp. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT Gosu Corp. Ảnh: Quỳnh Trần

Một trong những thách thức lớn công ty đối mặt lúc đó là sự cạnh tranh giá giữa các tổ chức, doanh nghiệp cùng ngành. Việc chọn lọc những tựa game tiềm năng cũng mất nhiều thời gian nghiên cứu, vì không phải game nào thành công ở nước ngoài cũng hợp với thị trường nội địa.

Chủ tịch Gosu Corp cho biết, những game nổi tiếng năm đó thường được nhiều bên để ý, tính cạnh tranh cao. Các công ty lớn lại có nhiều lợi thế về mặt tài chính nên Gosu chỉ đủ sức mua những game hạng B. Năm 2015, đơn vị quyết tâm dốc hết nguồn lực, xây dựng studio game, bồi dưỡng nhân sự, sản xuất một game mang dấu ấn riêng để phục vụ thị trường nội địa, thậm chí vươn tầm quốc tế.

“Đó là một trong những quyết định lớn, khiến chúng tôi thấy tự hào mỗi khi nhắc đến”, ông nói và cho biết thêm, việc thành lập studio riêng này đã giúp doanh nghiệp làm nên sự khác biệt, đánh dấu bước ngoặt thay đổi sau hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến.





Trụ sở Gosu Corp tại TP HCM hiện có hai studio thiết kế và vận hành các tựa game do chính đơn vị sản xuất. Ảnh: Quỳnh Trần

Trụ sở Gosu Corp tại TP HCM hiện có hai studio thiết kế và vận hành các tựa game do chính đơn vị sản xuất. Ảnh: Quỳnh Trần

Gosu Corp thành lập năm 2012, chuyên cung cấp các dịch vụ trò chơi trực tuyến đa nền tảng. Hiện nay, với ba studio ở Hà Nội, Huế và TP HCM, doanh nghiệp sở hữu hàng loạt bản quyền trò chơi điện tử nổi tiếng thế giới và các game do chính studio của họ phát hành. Một số game Gosu Corp đang vận hành tại thị trường Việt Nam gồm: Cửu âm chân kinh, Ngạo kiếm vô song, Cửu dương truyền kỳ, Đỉnh phong tam quốc… Hiện các sản phẩm của tập đoàn ngoài phục vụ người chơi Việt còn xuất khẩu đến 50 quốc gia.

Ông Minh cho rằng, những thách thức và cơ hội đơn vị gặp trong hơn 10 năm qua tương tự quá trình hình thành và phát triển của hầu hết các công ty và studio phát hành, sản xuất game tại Việt Nam. Sau thời gian dài triển khai các game mua lại, Việt Nam đã có hàng loạt tựa game nổi tiếng do chính người Việt thiết kế sản xuất. Trong đó có Flappy Bird – từng tạo tiếng vang trên trường quốc tế, thậm chí đưa “cha đẻ” Nguyễn Hà Đông vào danh sách triệu phú thế giới.

Theo ông, lúc này game do người Việt tự sản xuất đã phát triển lên một tầm cao mới. Các công ty và studio dần thấu hiểu thị trường và tập trung hơn vào công nghệ, hình ảnh, đồ họa, cách chơi… Nội dung cũng được sáng tạo rộng hơn, có chiều sâu và mang những cốt truyện riêng, lồng ghép khéo léo văn hóa nước nhà. Song, điểm hạn chế là game Việt vẫn chưa đủ lớn mạnh và vững chãi để có những trường, lớp, trung tâm đào tạo chuyên môn về phát hành, sản xuất và thiết kế game.

Do đó, sự ra đời của Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game tại Việt Nam (VGDA) cùng các hoạt động dành riêng cho thị trường này những năm gần đây đã góp phần chắp cánh cho thị trường game Việt bứt phá. Nhờ đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp, studio trong lĩnh vực này có thêm động lực để phát triển và lan tỏa rộng rãi hơn.

Với Ngày hội Game Việt Nam (Vietnam Gameverse 2023) trong đó là Vietnam Game Awards 2023, ông Minh đánh giá sự kiện sẽ truyền cảm hứng đến các doanh nghiệp trong ngành.

Thực tế, thời gian qua, ngành game có không ít sự kiện họp mặt, giao lưu, thi đấu… dành riêng cho game thủ và các nhà phát hành. Tuy nhiên quy mô tổ chức chưa lớn. Mức độ lan tỏa chưa đủ rộng, chủ yếu chỉ tập trung hướng đến cộng đồng chơi game. Những giải thưởng trước đó hầu hết cũng chỉ dành cho game thủ.

Theo ông Minh, Vietnam Game Awards 2023 là giải thưởng chuyên nghiệp quy mô toàn quốc đầu tiên dành riêng cho lĩnh vực trò chơi điện tử trong vòng 20 năm trở lại đây. Ngoài giúp thúc đẩy các doanh nghiệp, studio hoạt động trong lĩnh vực này phát triển, sự kiện còn cho họ thấy những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của mình đang dần được xã hội quan tâm, ghi nhận và trân trọng.

“Đây cũng là dịp để các đơn vị phát hành trong và ngoài nước giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau”, vị lãnh đạo nói thêm.

Thy An

Ngày hội Game Việt Nam là sự kiện do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Từ tháng 2 đến tháng 4, chuỗi sự kiện diễn ra với đa dạng hoạt động như tọa đàm Game Talks, đấu trường Game Arena, không gian trưng bày Game Workshop, Diễn đàn về xu hướng ngành game Việt và Giải thưởng Game Việt Nam 2023.
Xem thêm tại đây
Cho xem nhiều hơn

Những bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Back to top button
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x

Adblock Detected

Vui lòng vô hiệu hóa chương trình chặn quảng cáo trước khi xem trang web TAMHOANG.NET!

Please disable ad blocking program before viewing TAMHOANG.NET website!