Tin công nghệ

Ứng dụng công nghệ sinh học phát triển bền vững – Bài 1: Đóng góp tích cực vào đời sống

Công nghệ sinh học đang được nhiều quốc gia trên thế giới xem là ngành “mũi nhọn” để phát triển. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 30/1/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới với những mục tiêu cụ thể.

Chú thích ảnh
Hệ thống tưới nhỏ giọt do Israel tài trợ tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Trần Trang/TTXVN

Đó là: Đến năm 2030, nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. 

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết “Ứng dụng công nghệ sinh học phát triển bền vững”.

Bài 1: Đóng góp tích cực vào đời sống

Tại Việt Nam, với điều kiện khí hậu của nước nhiệt đới, kinh tế đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đặc biệt là phát triển bền vững.

Đến nay, công nghệ sinh học ở Việt Nam đã có những bước tiến bộ nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường; tác động lớn đến sản xuất, đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế – xã hội.

Nhiều mô hình hiệu quả

Thời gian qua, nhiều mô hình chuyển giao công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả, đóng góp tích cực vào đời sống xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân tại các địa phương.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tại Nam Định đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giải quyết vấn đề môi trường và đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe từ người tiêu dùng.

Kể từ khi 2 sào rau muống của bà Nguyễn Thị Tâm, tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, chất lượng rau được nâng lên rõ rệt, lá rau xanh, thân cây chắc hơn, tiêu thụ nhanh và bán được với giá cao hơn. Bà Nguyễn Thị Tâm, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho biết, sử dụng phân hữu cơ rất có hiệu quả cho cây trồng nên gia đình bà đã tận dụng các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp như dây lạc, cỏ, rơm rạ… để đưa vào làm phân bón hữu cơ bón cho rau màu, đem lại chất lượng cao hơn, đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn.

Từ năm 2016, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp của Nhật Bản, Hợp tác xã nông nghiệp Bắc Cường tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, đã thực hiện sản xuất phân hữu cơ. Trung bình mỗi năm Hợp tác xã sản xuất được từ 90 – 100 tấn phân hữu cơ cung cấp cho hầu hết các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn. Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bắc Cường, huyện Ý Yên khẳng định, phân hữu cơ làm cho đất thoáng khí, tạo độ mùn xốp cho đất. Khi đối chứng với các loại cây trồng không sử dụng phân hữu cơ cho thấy năng suất của cây trồng dùng phân hữu cỡ tăng từ 15 – 20%.

Những năm qua, tỉnh Nam Định đã chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra những sản phẩm cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật và nhiều sản phẩm chế biến nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng như: ứng dụng và nhân rộng công nghệ nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản vào sản xuất phân bón hữu cơ để trồng rau sạch; nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; sử dụng chế phẩm tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho tôm, cá một số hộ nông dân tại các xã, thị trấn: Nam Điền, Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); Hải Lý, Hải Chính (huyện Hải Hậu) ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống, đồng thời hạn chế gây ô nhiễm môi trường; sử dụng công nghệ tạo ra các giống lúa mới… cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cho biết, khi áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, các sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp đã nâng cao giá trị rõ rệt, có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ưa chuộng. Từ những hiệu quả về mặt kinh tế cho thấy, đầu tư phát triển công nghệ sinh học được xem là giải pháp tối ưu để phát triển chuỗi liên kết sản xuất các mặt hàng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo bước đột phá trong ngành nông nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh định hướng từ Trung ương, các địa phương đã có sự chủ động trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với đặc thù của địa phương mình. Tỉnh Bến Tre đang triển khai Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng. Đề án do UBND tỉnh phê duyệt và là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Theo đó, Đề án sẽ tiến hành xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300 – 500 ha trên diện tích 1.500 ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng. Mục tiêu của Đề án là phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ông Bùi Trường Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre cho biết, thực hiện Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng tỉnh Bến Tre mang tầm quốc gia, Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển các giống cây, hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao. Trung tâm hiện đã tiếp nhận về cơ sở vật chất và nhân sự của khu sinh học Cái Mơn; đồng thời cũng đã triển khai các đầu việc như: Tuyên truyền đề án, thẩm định và tập huấn về quản lý cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, điều kiện kinh doanh cây giống theo quy định, làm đơn vị đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mai vàng của Bến Tre… Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre có trách nhiệm ở khâu đảm bảo quy chuẩn quốc gia về cây giống hoa kiểng, đầu tư công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất cây giống, hoa kiểng và kết hợp với người dân để mở rộng thị trường.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã tập trung việc ứng dụng công nghệ cao vào nhân giống, sản xuất hoa kiểng bước đầu mang lại hiệu quả cao. Qua đó, góp phần thực hiện định hướng phát triển cây giống, hoa kiểng mang tầm quốc gia và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.

Vai trò quan trọng trong phát triển

Là một trong những công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ sinh học đã cho thấy vai trò quan trọng từ những bước phát triển đột phá, mở ra triển vọng đối với mô hình tăng trưởng mới. Do đó, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, nhất là trong bối cảnh yêu cầu cao về tăng trưởng bền vững như hiện nay.

Công nghệ sinh học là một lĩnh vực sáng tạo, có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghiệp, y học, môi trường, hóa chất… đặc biệt là với nông nghiệp. Càng ngày, công nghệ sinh học càng chứng tỏ là một trong những lĩnh vực công nghệ dẫn đầu cho quá trình chuyển đổi, đóng góp lớn cho quá trình phát triển xã hội theo xu hướng giảm phát thải carbon, góp phần giải quyết các thách thức phi truyền thống như bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm và năng lượng, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng…

Điển hình như đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, tuy tốc độ phát triển còn chậm so với thế giới nhưng các chuyển biến về ứng dụng công nghệ sinh học trong vài năm trở lại đây đang ngày càng ấn tượng. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố liên quan đến cây trồng như lượng nước, độ ẩm, phân bón hay ánh sáng. Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực chăn nuôi, hay ứng dụng giúp tạo tôm càng xanh nhân bản và định hướng sản phẩm lớn cung cấp cho sản xuất.

Đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, một thành tố quan trọng của công cuộc phát triển bền vững, công nghệ sinh học đã đem lại nhiều giải pháp ưu việt như: Phân hủy các độc chất vô cơ và hữu cơ; Thu nhận các sản phẩm có giá trị ở dạng nhiên liệu hoặc các hợp chất hữu cơ; Xử lý chất thải; Thu nhận các chất có ích từ lên men yếm khí; Xử lý các chất thải công nghiệp; Dùng vi sinh vật để xử lí các sự cố tràn dầu hay ô nhiễm dầu.

Nghị quyết 36/NQ-TW đặt ra mục tiêu tổng quát, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước. Mục tiêu đến năm 2030, nền công nghệ sinh học của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Trong tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; công nghiệp sinh học sẽ đóng góp 10-15% vào GDP.

Bài cuối: Cần chính sách để hình thành và phát triển thị trường cho ngành công nghệ sinh học

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Cho xem nhiều hơn

Những bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Back to top button
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x

Adblock Detected

Vui lòng vô hiệu hóa chương trình chặn quảng cáo trước khi xem trang web TAMHOANG.NET!

Please disable ad blocking program before viewing TAMHOANG.NET website!