Tin công nghệ

Cuộc cạnh tranh Trung – Ấn mới ở cực Nam Mặt trăng

Nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc tuyên bố tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã không thực sự ở cực Nam Mặt trăng và tàu đổ bộ Hằng Nga-6 của Trung Quốc sẽ đến đó đầu tiên vào năm 2024.

Chú thích ảnh
Tàu đổ bộ Mặt trăng Hằng Nga-6 của Trung Quốc sẽ hạ cánh xuống cực nam Mặt trăng vào năm 2024. Ảnh: Cục Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc

Trung Quốc sẽ gửi một tàu vũ trụ không người lái đến cực Nam của Mặt trăng vào năm tới với mục đích mang hai kg mẫu đá về Trái đất.

Theo trang Asia Times, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) ngày 29/9 cho biết sẽ gửi tàu Hằng Nga-6 tới “vùng tối” của Mặt trăng, nơi vẫn chưa được các nhà khoa học khám phá. CNSA cũng thông báo họ sẽ phóng một vệ tinh có tên Queqiao 2 (hay Cầu Ô Thước 2), để chuyển tiếp thông tin liên lạc đến và đi từ Mặt trăng vào đầu năm 2024.

Năm ngoái, CNSA cho biết vụ phóng tàu Hằng Nga-6 sẽ diễn ra vào năm 2025. Đầu năm nay, cơ quan này thay đổi khung thời gian thành khoảng 2024 và 2025, và bây giờ mục tiêu mới đã chốt là vào năm tới.

Nghi vấn tàu vũ trụ Ấn Độ có đổ bộ gần cực Nam Mặt trăng

Thông báo mới nhất của CNSA trùng với dịp tết Trung thu, một lễ hội có nguồn gốc từ thần thoại Trung Quốc về Hằng Nga, tiên nữ trên Mặt trăng.

Thông báo cũng được đưa ra sau khi ông Ouyang Liyuan, một nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc, tuyên bố hôm 26/9 rằng tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ thực ra không hạ cánh xuống gần cực Nam Mặt trăng khi nó thực hiện cú đổ bộ vào ngày 23/8.

“Có hai điều cần phải làm rõ về tàu đổ bộ lên Mặt trăng của Ấn Độ. Đầu tiên, mô tả về vị trí hạ cánh của nó là không chính xác. Thứ hai, mọi người quá lạc quan về sự tồn tại của ‘băng nước’ ở cực Nam”, ông Ouyang nói với tờ China Science Daily trong một cuộc phỏng vấn.

Ông cho biết tàu đổ bộ của sứ mạng Chandrayaan-3 vẫn còn cách vùng cực Nam của Mặt trăng ít nhất 619 km nên sẽ sai lầm khi nói rằng Ấn Độ đã đến cực Nam hoặc thậm chí ở gần nơi này.

Chú thích ảnh
Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ khi đang hạ cánh xuống Mặt trăng. Ảnh: ISRO

Năm 1996, một bài báo trên tạp chí Science đã gợi ý về khả năng có băng nước ở đáy một miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn gần cực Nam của Mặt trăng. Trữ lượng ước tính có khoảng 60.000 đến 120.000 mét khối.

Nhiều quốc gia hiện đang chuẩn bị cho cuộc tìm kiếm băng ở cực Nam Mặt trăng. Nguồn băng này, nếu tìm thấy, có thể được khai thác và phân tách thành oxy và hydro, hai nguồn tài nguyên quan trọng cho khả năng con người định cư lâu dài trên Mặt trăng.

Tháng 11 năm ngoái, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) đã phóng một vệ tinh nhỏ, có tên Lunar Flashlight, dự định sử dụng tia laser cận hồng ngoại và máy quang phổ trên tàu để lập bản đồ băng ở các vùng bị che khuất vĩnh viễn gần cực Nam Mặt trăng. Nhưng tháng 5 năm nay NASA cho biết sứ mệnh đã thất bại do hệ thống đẩy của vệ tinh gặp vấn đề.

Cuộc cạnh tranh mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Vào tháng 4, dân số Ấn Độ đạt 1,429 tỷ người, vượt qua dân số 1,426 tỷ của Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, theo Liên hợp quốc. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Ấn Độ do chiến lược của Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất.

Cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang diễn ra trong không gian. Vào ngày 23/8, sự xuất hiện của Chandrayaan-3 đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư thực hiện được cú hạ cánh mềm lên Mặt trăng, sau Liên Xô (1966), Mỹ (1966) và Trung Quốc (2018). Ấn Độ tuyên bố rằng tàu vũ trụ của họ là tàu đầu tiên hạ cánh gần cực Nam Mặt trăng.

Chú thích ảnh
Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ trên bề mặt Mặt trăng. Ảnh: ISRO

Ngày 2/9, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã tắt tất cả các thiết bị của tàu đổ bộ Chandrayaan-3 và đưa phương tiện này vào chế độ ngủ. Tàu đổ bộ được cho là sẽ được đánh thức lại trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến ngày 30/9 nếu có đủ ánh sáng mặt trời. Nhưng đến ngày 30/9, thiết bị của nó vẫn chưa trực tuyến.

Trong khi đó, CNSA cho biết họ sẽ gửi tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga-6, mang theo các trọng tải từ Pháp, Italy, Pakistan và Cơ quan Vũ trụ châu Âu, đến lưu vực Aitken ở cực Nam để tìm kiếm băng và đá cổ.

Wang Qiong, Phó giám đốc thiết kế của sứ mệnh Hằng Nga-6 cho biết: “Cho đến nay, con người đã mang về các mẫu Mặt trăng 10 lần, tất cả đều được thực hiện ở phía gần Trái đất của Mặt trăng. Các nhà khoa học tin rằng các mẫu đất cổ hơn có thể được tìm thấy ở phía xa của Mặt trăng (còn gọi là “vùng tối”).”

Ông Wang cho hay các mẫu đá ở các độ tuổi khác nhau có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về lịch sử của Mặt trăng. “Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, đang nỗ lực khám phá cực Nam Mặt trăng. Chúng tôi cho rằng khu vực này sẽ ngày càng trở nên đông đúc hơn”, ông Wang Qiong nói.

Việc khai thác “băng nước”, nếu có, vẫn là một thách thức lớn. Quan điểm của ông Ouyang là máy khai thác có thể không hoạt động được ở nhiệt độ cực thấp ở cực Nam. Ông cho rằng các khoáng chất trên Mặt trăng, thay vì băng nước, sẽ là nguyên liệu hứa hẹn hơn để sản xuất oxy.

Chú thích ảnh
Mô phỏng cát Mặt trăng tan chảy ở nhiệt độ 1600 độ C bởi Helium để tạo ra oxy. Ảnh: Helios

Một số nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các mẫu mặt trăng được tàu vũ trụ Apollo mang đến Trái đất vào năm 1969-72 có chứa ilmenite, 8-10% trong số đó là oxy. Sản lượng oxy tối đa từ những loại đá này có thể đạt 2-2,5%.

Một công ty của Israel có tên Helios đã phát triển một nguyên mẫu nhà máy oxy và có kế hoạch đưa nó lên Mặt trăng vào năm 2025, nhằm mục đích sản xuất ra vài chục gram oxy để chứng minh ý tưởng.

Trong khi đó, 4 phi hành gia sẽ thực hiện chuyến bay ngang qua Mặt trăng và quay trở lại Trái đất vào tháng 11/2024 trong khuôn khổ sứ mệnh Artemis 2 của NASA. Hai phi hành gia sẽ hạ cánh xuống vùng cực Nam Mặt trăng và ở đó khoảng một tuần vào tháng 12/2025 trong sứ mệnh Artemis 3.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asia Times)
Cho xem nhiều hơn

Những bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Back to top button
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x

Adblock Detected

Vui lòng vô hiệu hóa chương trình chặn quảng cáo trước khi xem trang web TAMHOANG.NET!

Please disable ad blocking program before viewing TAMHOANG.NET website!