Tin công nghệ

Đà Nẵng: Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP


DNVN – Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 135 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, với 56/56 xã, phường đều có sản phẩm OCOP, cùng với việc đưa sản phẩm mở rộng thị trường nước ngoài, TP Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng diện mạo trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đà Nẵng không chạy theo số lượng sản phẩm OCOP

Trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng 2023 từ ngày 6 – 8/6, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn, OCOP và sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung” và hội thảo “Phát triển các sản phẩm OCOP Đà Nẵng”.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh (giữa) và Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương động viên các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP tham gia hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2023

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh (giữa) và Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương động viên các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP tham gia hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng 2023

Thông tin từ các hội nghị, hội thảo này cho biết, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua 3 năm hình thành và phát triển, đến nay Đà Nẵng đã có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP; gồm 21 sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban, chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị nhiều sản phẩm tại địa phương, tạo được sức lan tỏa, tác động nhất định đến tư duy kinh tế của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Đà Nẵng không chạy theo thành tích, số lượng mà khảo sát, đánh giá nghiêm túc trong các khâu để phân hạng sản phẩm. Do vậy, các sản phẩm OCOP của TP thể hiện được những đặc trưng, lợi thế và phát huy giá trị cộng đồng như nước mắm Nam Ô, kiệu hương Hòa Nhơn, rau, củ, quả Túy Loan, chè dây Hòa Bắc…

Đáng chú ý, đến nay đã có 16 nhóm sản phẩm OCOP của 10 doanh nghiệp được vào 5 siêu thị, trung tâm thương mại lớn như rau an toàn Tuý Loan, sản phẩm lót giày Hương Quế; bánh dừa nướng Mỹ Phương Food, rong biển ăn liền Đại Dương, bánh khô mè Bà Liễu mẹ, rau ăn lá và dưa lưới AFARM, các sản phẩm chả mực, chả cá, cá đét khô Bắc Đẩu…

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Đà Nẵng, chương trình OCOP của TP còn gặp những hạn chế, khó khăn. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận, nhận thức đầy đủ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP; số lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các nhóm ngành, phần lớn tập trung vào nhóm thực phẩm; thiếu sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch vốn là thế mạnh của Đà Nẵng…

Phát triển sản phẩm OCOP xanh để đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, TP đề ra mục tiêu đến năm 2025 TP Đà Nẵng có khoảng 135 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, với 56/56 xã, phường đều có sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc đưa sản phẩm mở rộng thị trường nước ngoài, TP Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng diện mạo trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Theo Chi hội trưởng Hiệp hội TMĐT Việt Nam tại miền Trung – Tây Nguyên Võ Văn Khanh, lợi thế của TMĐT là tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, là yếu tố quan trọng khiến phạm vi nhóm hàng, sản phẩm, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn và với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống. Do vậy, ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, mở rộng thị trưởng tiêu thụ nông sản trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Ông Nguyễn Phú Ban cho biết, sắp tới Sở NN&PTNT Đà Nẵng sẽ phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam xây dựng sàn giao dịch TMĐT không chỉ với các sản phẩm OCOP mà còn sản phẩm thủy sản, để phát huy lợi thế có âu thuyền, cảng cá Thọ Quang thu hút nhiều tàu cá miền Trung đưa hải sản khai thác về đây. Qua sàn giao dịch TMĐT có thể kết nối bán hàng từ cảng cá Thọ Quang, kết nối các tuyến vận chuyển, kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa trong, ngoài nước để giao sản phẩm đến khách hàng, nhất là tại Lào.

Đáng chú ý, ông Võ Văn Khanh lưu ý, một trong những lý do lớn nhất khiến sản phẩm nhiều loại hàng nông sản và sản phẩm địa phương đạt chất lượng cao, giá cả phải chăng nhưng lại thường không xuất hiện trên các sàn TMĐT và khó tiêu thụ là do chu kỳ sống của nông sản ngắn. Các loại nông sản chưa được tiêu chuẩn hóa, không đáp ứng được các điều kiện đóng gói, bảo quản, vận chuyển khi tham gia sàn TMĐT.

Do vậy, ông Nguyễn Phú Ban cho biết trong thời gian tới Đà Nẵng sẽ xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn và sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa để tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Đặc biệt là hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất của cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.

“TP Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP, thực hiện cấp mã số vùng trồng cấp chứng nhận VietGAP và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO, HACCP để đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP,” ông Nguyễn Phú Ban cho biết.


Hải Châu

Cho xem nhiều hơn

Những bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Back to top button
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x

Adblock Detected

Vui lòng vô hiệu hóa chương trình chặn quảng cáo trước khi xem trang web TAMHOANG.NET!

Please disable ad blocking program before viewing TAMHOANG.NET website!