Tin công nghệ

Viettel muốn tạo siêu máy tính với 1.000 GPU với Nvidia

Viettel đề nghị CEO Nvidia hợp tác làm siêu máy tính 1.000 GPU, trong khi Jensen Huang ủng hộ việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tại Việt Nam.

Trong buổi làm việc ngày 11/12 và vừa được công bố, Viettel đề nghị Nvidia – hãng thiết kế chip lớn nhất thế giới – hợp tác trong hai trụ cột của công nghệ AI, gồm: hạ tầng siêu máy tính và đào tạo nhân lực.

Về hạ tầng, tập đoàn của Việt Nam cho biết đã đề nghị hợp tác với Nvidia xây dựng, đầu tư, kinh doanh, vận hành hạ tầng siêu máy tính sử dụng GPU, trước mắt quy mô 1.000 GPU đến 2025. “Chúng tôi có nguồn lực lớn về tài chính, quy hoạch hạ tầng trung tâm dữ liệu đồng bộ và nhân lực để đảm bảo tiến độ triển khai”, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, nói. Ngoài ra, ông mong muốn cùng Nvidia thành lập Trung tâm đào tạo về AI, xây dựng hệ sinh thái, thúc đẩy đổi mới sáng tạo về AI cho cả hai bên và khu vực.

Ông Jensen Huang, CEO Nvidia, ủng hộ các đề xuất này. Ông đánh giá làn sóng AI đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng sẽ đòi hỏi cơ sở hạ tầng. “Trí tuệ nhân tạo của các bạn phải được tạo ra tại Việt Nam, vận hành tại Việt Nam và được cải tiến, nâng cấp tại Việt Nam”, ông nói.

Ông Jensen Huang trong buổi làm việc với tập đoàn Viettel, sáng 11/12. Ảnh: Viettel

Ông Jensen Huang trong buổi làm việc với tập đoàn Viettel, sáng 11/12. Ảnh: Diệu Linh

Về chiến lược xây dựng trung tâm dữ liệu, ông Huang cho rằng cần ưu tiên đầu tư trung tâm dữ liệu theo hướng tập trung, thay vì phân tán thành cơ sở hạ tầng nhỏ. “Các mô hình lớn cần các máy tính lớn hoạt động cùng nhau. Một trung tâm dữ liệu có công suất 100 MW sẽ tốt hơn 10 trung tâm, mỗi trung tâm 10 MW”, ông cho hay.

CEO Nvidia cũng khẳng định giá thành thiết bị sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp nên đầu tư theo hướng bổ sung theo nhu cầu, không nên đưa toàn bộ vào sử dụng từ đầu. Nhắc đến sức mạnh tính toán của các hệ thống thường tăng gấp đôi sau mỗi năm, ông nói việc tạo ra các mô hình ngôn ngữ lớn ngày càng trở nên dễ dàng. Từ đó, công nghệ nền tảng của AI tạo sinh sẽ trong tầm với của doanh nghiệp Việt trong vài năm tới.

“Sau mỗi 5 năm, năng lực của chúng tôi tăng 100 lần, do đó chi phí cũng giảm 100 lần. 10 năm trước, khi lần đầu tiên huấn luyện mô hình thị giác máy tính AlexNet, chúng tôi cần tới một siêu máy tính, giờ đây công việc này có thể thực hiện được trên một chiếc máy bàn”, nhà sáng lập Nvidia nói.

Nvidia hiện là nhà cung cấp hạ tầng cho nhiều doanh nghiệp Việt như Viettel, FPT, VinGroup với doanh thu hơn nửa tỷ USD, theo công bố của ông Jensen Huang. Tỷ phú đánh giá Việt Nam đã có đủ ba thành phần trong công thức phát triển AI gồm dữ liệu, nhân lực và hạ tầng. Ông cũng cho biết sẽ thành lập pháp nhân và cam kết hỗ trợ thúc đẩy hạ tầng, nguồn nhân lực AI tại Việt Nam.

Jensen Huang, nhà đồng sáng lập Nvidia, trở thành “ngôi sao” của ngành bán dẫn khi các mẫu chip đồ họa của công ty ông được săn đón. Ngày 9-11/12, ông lần đầu tới Việt Nam cùng một số lãnh đạo của công ty. Ông có buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, tham quan Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc (Hà Nội) và gặp gỡ lãnh đạo một số Bộ, thành phố và khu công nghệ cao tại Việt Nam cùng một số tập đoàn công nghệ trong nước.

Nội dung cuộc gặp xoay quanh hoạt động “hợp tác giữa Nvidia và Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn”, cũng như bàn về khả năng hợp tác của hãng với các doanh nghiệp trong nước. “Chuyến đi này chắc chắn mở ra những chuyến đi lần sau. Tôi sẽ trở lại Việt Nam, trở về quê hương thứ hai của Nvidia”, ông Huang khẳng định.

Lưu Quý



Cho xem nhiều hơn

Những bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Back to top button
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x

Adblock Detected

Vui lòng vô hiệu hóa chương trình chặn quảng cáo trước khi xem trang web TAMHOANG.NET!

Please disable ad blocking program before viewing TAMHOANG.NET website!