Tin công nghệ

Cáp quang biển – quyền lực mới của thế giới

Hàng nghìn dặm cáp quang chạy dọc dưới đáy biển được coi là chìa khóa cho sự cân bằng quyền lực thế giới, nhưng chúng cũng dễ bị chi phối.

Sáng 11/3/2020, bãi biển Parée Préneau gần Saint-Gilles-Croix-de-Vie trên bờ biển phía tây nước Pháp sôi động lạ thường. Một nhóm 15 người mặc đồ bảo hộ nhìn ra Đại Tây Dương. Cách bờ vài trăm mét là một đoàn thuyền nhỏ, trong số đó có chiếc Miniplon với bốn thợ lặn chờ lệnh.

Họ đang chuẩn bị cho sự kiện lớn: hạ thủy Dunant, tuyến cáp Internet xuyên lục địa thứ hai của Google. Là dây cáp chứa 12 cặp sợi quang với công suất gần 300 terabit/giây, Dunant là một trong những loại cáp mạnh nhất được đưa vào vận hành. Tuyến dài 6.600 km này kết nối thành phố Virginia Beach của Mỹ với trung tâm dữ liệu của Google ở thành phố Saint-Ghislain của Bỉ, trong đó có phân đoạn sang Pháp.

“Không phải khi nào cũng có một tuyến cáp xuyên Đại Tây Dương. Thực tế, đây là lần đầu tiên sau 20 năm”, Richard Brault, Giám đốc dự án của Merceron, một trong những đơn vị thi công, cho biết.





Cáp quang đang được kéo lên tàu lắp đặt của Subcom. Ảnh: Subcom

Cáp quang được kéo lên tàu lắp đặt của Subcom, đối tác của Google. Ảnh: Subcom

Tuy nhiên, sau vài giờ, nhiệm vụ thất bại, Miniplon quay lại bến cảng. Đó không phải lần thất bại đầu tiên. Công việc đã bị trì hoãn suốt hai tuần. “Mỗi ngày, chúng tôi tốn 30.000 euro cho thuyền và thiết bị liên quan”, Isabelle Delestre, đại diện truyền thông của Orange, đơn vị giám sát Dunant tại Pháp, cho biết. Đến tháng 2/2021, Google mới chính thức vận hành Dunant sau hai năm rưỡi thi công.

Những tuyến cáp tốc độ cao thế hệ mới như Dunant, vốn tốn kém và khó khăn trong việc xây dựng và lắp đặt, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thời đại Internet, nhất là khi nhiều tuyến cũ từ hàng chục năm trước dần lỗi thời. Hiện nay, 99% lưu lượng dữ liệu của thế giới không truyền qua đường hàng không, mà qua hệ thống cáp được triển khai dưới lòng đất và dưới đáy biển. Chỉ cần một gián đoạn, nhiều khu vực trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Cáp quang được làm bằng kim loại mịn bọc trong polyetylen, toàn bộ dùng để bảo vệ các cặp sợi quang (sợi thủy tinh). Thông tin được mã hóa dưới dạng xung ánh sáng truyền qua các sợi này với tốc độ khoảng 200.000 km mỗi giây. Tuyến cáp quang xuyên Đại Tây Dương đầu tiên là TAT-8, được lắp từ năm 1988, cho phép thực hiện đồng thời hơn 40.000 cuộc hội thoại cùng lúc. Ngày nay, Dunant có thể xử lý 5 tỷ cuộc gọi mỗi giây cùng hàng triệu GB dữ liệu được truyền đi. Việc đặt những dây cáp này tiêu tốn hàng trăm triệu USD nhưng vẫn rẻ hơn 10 lần so với việc triển khai trên đất liền.

Yếu tố địa chính trị

Mạng lưới cáp quang xuyên biển hiện đã rộng khắp. Một số tuyến rất ngắn, như Amerigo Vespucci dài 85 km giữa hai đảo ngoài khơi Venezuela. Những tuyến khác lại rất dài, như SEA-ME-WE-3 (viết tắt của Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu), trải dài 39.000 km từ Bắc Âu đến Australia và cập bờ nhiều quốc gia.

“Ngành công nghiệp này đang bùng nổ”, một chuyên gia nói với Telegraph. “Họ đang liên tục xây dựng suốt ngày đêm”.

Nhưng khác với những lĩnh vực khác, quá trình lắp đặt cáp quang biển thường được giữ kín. “Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ cáp ngầm dưới biển là không nói về nó”, chuyên gia này cho hay.





Một nhóm công nhân đang sửa chữa tuyến cáp SEA-ME-WE-5 đoạn qua Pháp. Ảnh: AFP

Một nhóm công nhân đang sửa chữa tuyến SEA-ME-WE-5 đoạn qua Pháp. Ảnh: AFP

Trước đây, cáp biển do các nhà khai thác mạng như Deutsche Telekom, AT&T, Telecom Italia, Vodafone và Orange, hay đơn vị sản xuất viễn thông như Alcatel Submarine Networks, SubCom và NEC lắp đặt. Còn giờ đây, hầu hết ông lớn công nghệ như Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Google (FAANG) đều có các tuyến cáp quang biển của riêng mình. Riêng Google có 4 tuyến cáp lớn là Curie, Dunant, Equiano và Junior.

“Cách đây ba năm, trên tuyến Đại Tây Dương, FAANG chỉ chiếm 5% thị phần. Giờ đây, họ chiếm 50% và con số có thể tăng lên 90% ba năm tới”, một chuyên gia về viễn thông cho biết.

Dù vậy trên thực tế, quyền lực thực sự không nằm ở chủ sở hữu hay nhà sản xuất sợi cáp, mà nằm ở các quốc gia có lãnh thổ đặt chúng. Không chỉ thu về số tiền khổng lồ, đây còn là chìa khóa để xác định, thậm chí thay đổi sự cân bằng quyền lực thế giới.

Ai Cập nhiều năm qua giữ vị trí chiến lược quan trọng trong việc định hình các tuyến cáp. Kênh đào Suez là nơi cung cấp tuyến đường truyền dữ liệu ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. “Nếu lắp cáp vòng 200 km qua Ai Cập sẽ tốn nhiều tiền ngang với lắp đặt tuyến cáp từ Singapore đến Pháp”, một chuyên gia trong ngành giải thích.

Bản đồ cáp quang biển qua Ai Cập cũng cho thấy rõ vì sao khu vực này thành “điểm nóng”. 16 tuyến tập trung gần một chỗ và xuyên qua Biển Đỏ. Theo công ty nghiên cứu viễn thông TeleGeography, 17% lưu lượng Internet toàn cầu đi qua đây năm 2021 tương đương 178 triệu Mb/giây. Để so sánh, tốc độ Internet trung bình của Mỹ hiện là 167 Mb/giây.





Mạng lưới cáp quang chằng chịt qua điểm nghẽn Ai Cập. Nguồn:TeleGeography

Mạng lưới cáp quang chằng chịt qua “điểm nghẽn” Ai Cập. Nguồn: TeleGeography

Nhưng Google đã đưa ra giải pháp thay thế khi có kế hoạch đưa tuyến cáp Blue-Raman kết nối Ấn Độ và Italy bằng cách chia nhỏ quãng đường. Một đoạn chạy từ Ấn Độ đến Jordan qua Arab Saudi, phần còn lại bắt tín hiệu từ Israel đến Italy. Ngoài việc giảm một nửa chi phí vận tải, nó còn hạn chế phụ thuộc về địa chính trị – ở đây là Ai Cập.

Trung Quốc – thế lực mới ở lĩnh vực cáp quang biển

Bên cạnh Âu – Mỹ, hiện có rất nhiều tuyến cáp quang biển chạy ở khu vực Viễn Đông và Âu – Á. Một quốc gia chắc chắn không đứng ngoài là Trung Quốc. Họ thậm chí đang nỗ lực kiểm soát nhiều tuyến cáp hơn để cân bằng quyền lực với phương Tây.

Từ năm 2015, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – cơ quan quản lý kinh tế chính của Trung Quốc, đã công bố báo cáo đầy tham vọng, vạch ra chương trình xây cáp quang xuyên quốc gia rộng lớn nhằm tạo ra “con đường tơ lụa kỹ thuật số”. Đến nay, nước này đã lắp đặt và đưa vào sử dụng mạng cáp quang biển ở 76 quốc gia, từ các nước láng giềng cho đến châu Mỹ Latin.

Trung Quốc từng bị đánh giá tụt hậu quá xa để có thể bắt kịp Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản trong lĩnh vực cáp quang. Nhưng Huawei đã thay đổi điều đó. Từ đầu những năm 2000, hãng viễn thông này đã công nghiệp hóa công nghệ và thiết bị đầu cuối quang học, nhưng thiếu chuyên môn về sản xuất cáp. Tiếp đó, họ hợp tác với công ty lắp cáp quang biển Global Marine (Anh). Đến 2008, liên doanh Huawei Marine Networks ra đời.

Liên doanh phát triển thịnh vượng cho tới 2019, khi Global Marine bán cổ phần trong Huawei Marine Networks, bao gồm cả đội tàu cáp, cho Hengtong Optic-Electric của Trung Quốc với giá 285 triệu USD. Thương vụ nhanh chóng đưa Hengtong lên tầm cao mới, trở thành một trong những đơn vị hiếm hoi kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng: cáp, bộ lặp, thiết bị đầu cuối và đội tàu.

Jean Devos, cựu giám đốc của Alcatel Submarcom, cho rằng thương vụ chính là sai lầm của phương Tây. “Họ chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình. Họ hoàn toàn ngây thơ”, Devos nói.

Với con đường tơ lụa kỹ thuật số, Trung Quốc đang nỗ lực bảo đảm cho cơ sở hạ tầng cáp của mình, một mục tiêu phải làm phòng trường hợp xung đột. Bên cạnh đó, nước này được dự đoán sẽ sớm khiến phương Tây phụ thuộc về cáp quang biển, nhất là những thiết bị hạ tầng “sản xuất tại Trung Quốc”.

Gần đây, Trung Quốc cũng được cho là đang đầu tư một tuyến cáp quang dưới biển trị giá 500 triệu USD kết nối châu Á, Trung Đông và châu Âu. Theo bốn nguồn tin nói với Reuters, ba nhà mạng China Telecom, China Mobile Limited và China Unicom đặt tham vọng tạo ra một mạng lưới cáp biển tiên tiến nhất và vươn xa nhất thế giới, gọi là EMA, nối Hong Kong với đảo Hải Nam, sau đó đến Singapore, Pakistan, Arab Saudi, Ai Cập và Pháp.

Trong khi đó, Timothy Heath, nhà nghiên cứu tại RAND Corporation, cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc chạy đua xây những tuyến cáp riêng nối các châu lục có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu, gồm cáp quang, trung tâm dữ liệu và mạng di động, có nguy cơ bị chia rẽ trong thập kỷ tới.

“Sợi dây dễ tổn thương”

Dù là các tuyến huyết mạch quan trọng, cáp quang biển rất dễ tổn thương. Ngoài hành vi phá hoại có chủ ý, cáp ngầm cũng dễ hư hại do môi trường, tàu thuyền hay sinh vật biển gây ra. Trung bình 150 trường hợp hư hỏng cáp được báo cáo hàng năm. Các đội sửa chữa phải làm việc thường xuyên để đảm bảo Internet liền mạch, còn công ty bảo hiểm phải chi hàng triệu USD mỗi lần khắc phục.

“Nếu các tàu cáp không dành thời gian sửa chữa, mạng Internet của thế giới sẽ ngừng hoạt động chỉ sau vài tháng”, một chuyên gia về cáp quang biển cho biết.

Do tầm quan trọng của Internet, một số chuyên gia còn lo ngại cáp quang biển có thể là mục tiêu tấn công của khủng bố hoặc nỗ lực phá hoại có chủ đích trong tương lai. Một số giải pháp được đưa ra để giảm phụ thuộc vào cáp quang biển, chẳng hạn Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá cách này chỉ nên áp dụng ở vùng sâu vùng xa hoặc trong trường hợp dự phòng. Nó không phù hợp để truyền tải hàng trăm TB mỗi giây giữa các lục địa.

“Cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ cáp quang biển, vì mọi người đều phụ thuộc vào chúng. Giữ cho chúng luôn hoạt động là điều cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia và đối với nền kinh tế của bất kỳ nước nào”, Alan Mauldin, Giám đốc nghiên cứu của TeleGeography, nói với Wired.

Bảo Lâm (theo Telegraph, Wired)



Cho xem nhiều hơn

Những bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Back to top button
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x

Adblock Detected

Vui lòng vô hiệu hóa chương trình chặn quảng cáo trước khi xem trang web TAMHOANG.NET!

Please disable ad blocking program before viewing TAMHOANG.NET website!